LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT, ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ, VĂN HÓA – XÃ HỘI
- Lịch sử vùng đất
Mỹ Thanh là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Từ hàng ngàn năm xưa, mảnh đất nơi đây là đã chứng kiến quá trình khai phá thiên nhiên, xây dựng bản làng.
Trong buổi đầu của lịch sử, thời kỳ nhà nước Văn Lang, địa bàn xã Mỹ Thanh thuộc bộ Vũ Định, 1 trong 15 bộ của nước ta. Sau năm 179TCN, nước ta bị chính quyền phong kiến phương Bắc xâm lược và thống trị, dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, Bạch Thông đời Hán thuộc quận Giao Chỉ, đời Đường nằm trong châu Võ Nga.
Năm 938, sau chiến thắng trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại nền độc lập tự chủ của nước ta, Ngô Quyền chia cả nước làm 8 châu, địa bàn xã Mỹ Thanh thuộc địa phận Lục Châu. Đời Đinh, Tiền Lê, địa phận xã Mỹ Thanh thuộc châu Thái Nguyên (gồm Thái Nguyên và Bắc Kạn).
Thời nhà Lý, địa phận xã Mỹ Thanh thuộc châu Thượng Nguyên. Đến thời nhà Trần thuộc huyện Vĩnh Thông, trấn Thái Nguyên. Năm 1428, sau khi lên ngôi, Lê Lợi chia cả nước làm 5 đạo, toàn bộ địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngày nay thuộc Bắc Đạo. Năm 1464 vua Lê Thánh Tông chia lại nước ta thành 1 phủ và 12 đạo thừa tuyên, địa phận huyện Bạch Thông ngày nay thuộc thừa tuyên Thái Nguyên.
Thời Nguyễn, năm 1831 vua Minh Mạng thực hiện cải cách chia cả nước ta làm 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên, toàn bộ địa phận huyện Bạch Thông thời điểm này thuộc vào tỉnh Thái Nguyên.
Thời Pháp thuộc, ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Bắc Kạn, gồm các châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa, Cảm Hóa. Dưới châu là tổng, dưới tổng là xã, dưới xã là các bản. Lúc này, tổng Nông Thượng có 6 xã: Xuất Hóa, Hòa Mục, Dương Quang, Huyền Tụng, Nông Thượng, Đôn Phong. Địa bàn xã Mỹ Thanh lúc này thuộc xã Xuất Hóa. Xã Xuất Hóa có 10 bản, trong đó có bản Duộc và bản Châng trên địa bàn xã Mỹ Thanh ngày nay.
Tháng 3/1943, xã Xuất Hóa được đặt tên là xã Quý Quân, địa phận bản Duộc, bản Châng của Mỹ Thanh thuộc xã Quý Quân. Tháng 11/1945, 2 xã Quý Quân và Nông Thượng được sáp nhập làm 1, lấy tên là xã Phong Lưu, từ đây địa phận xã Mỹ Thanh gồm bản Duộc (Khau Ca, Bản Luông) và bản Châng thuộc xã Phong Lưu.
Năm 1950, 2 thôn Duộc và Châng tách ra khỏi xã Phong Lưu, sáp nhập về xã Minh Lập (Huyền Tụng), từ đây địa phận Mỹ Thanh trên cơ sở 2 thôn này thuộc vào xã Minh Lập. Năm 1953, xã Kim Đồng được thành lập trên cơ sở 2 thôn Bản Duộc và bản Châng tách ra từ xã Minh Lập.
Năm 1959, đồng bào người Dao ở xã Cao Sơn, Tân Sơn, Hòa Mục đến xã sinh sống, thành lập nên thôn Phiêng Kham. Năm 1962, một số hộ đồng bào người Dao ở Cao Sơn xuống địa phận Bản Châng định cư, trên cơ sở đó thành lập nên thôn Nà Cà. 18 19 Tháng 6/1964, thực hiện Quyết định 150-NV, ngày 12 tháng 5 năm 1964 của Bộ Nội vụ “Về việc sửa đổi tên một số xã của tỉnh Bắc Cạn”, xã Kim Đồng đổi tên thành Mỹ Thanh1 . Năm 1999, thôn Thôm Ưng xã Côn Minh – Na Rì sáp nhập vào Mỹ Thanh. năm 2003, thôn Khuổi Duộc được thành lập trên cơ sở tách ra từ thôn Nà Cà, địa phận xã Mỹ ổn định đến bây giờ.
- Truyền thống lịch sử, văn hóa các cộng đồng dân tộc Mỹ Thanh
Truyền thống lao động sản xuất: Từ xa xưa, vùng đất Bạch Thông nói chung và Mỹ Thanh nói riêng đã có con người định cư, khai phá đất đai, phát triển sản xuất. Tuy có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng cư dân ở Mỹ Thanh không ngừng lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên để sinh tồn, từ đó hình thành kinh tế tự cấp, tự túc khép kín. Hệ thống cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, bên cạnh đó còn trồng thêm các loại cây hoa màu như khoai, sắn, bầu, bí, đỗ… nhằm bổ sung thêm nguồn lương thực, thực phẩm, cải thiện đời sống bữa ăn. Ngoài ra, mỗi gia đình đều có vườn cây ăn quả phổ biến với các loại cây như chuối, cam, quýt…
Bên cạnh trồng trọt, nhân dân Mỹ Thanh kết hợp chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, ngựa, gà… tuy nhiên số lượng không nhiều, chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp, tín ngưỡng, làm thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các cấp chính quyền, sản xuất thủ công nghiệp và dịch vụ đã dần xuất hiện ở các thôn bản, góp phần thúc đẩy hoạt động lao động của nhân dân, cải thiện, nâng cao cuộc sống, tạo diện mạo mới cho mảnh đất Mỹ Thanh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Mỹ Thanh tiếp tục phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của thế hệ cha ông, tận dụng các điều kiện mới, không ngừng thi đua lao động sản xuất, đưa quê hương Mỹ Thanh ngày thêm giàu đẹp. Truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng: Địa bàn xã Mỹ Thanh có 4 thành phần dân tộc sinh sống gồm: Tày, Dao, Nùng, Kinh. Cộng đồng các dân tộc ngày nay vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, thể hiện bản sắc riêng của từng tộc người. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa, đạo đức giữa các dân tộc có nét tương đồng, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, bền chặt của đồng bào các dân tộc trong xã Mỹ Thanh. Nhà ở truyền thống của đồng bào Mỹ Thanh có hai loại hình cơ bản là nhà sàn và nhà đất. Trải qua nhiều đời chung sống, đồng bào các dân tộc đã hòa nhập và ảnh hưởng nhiều nét văn hóa của nhau cũng như tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Hiện nay, bên cạnh những ngôi nhà cổ truyền, nhiều hộ gia đình đồng bào đã chuyển sang ở nhà mái bằng, nhà nền đất. Trang phục là yếu tố quan trọng trong văn hóa các dân tộc xã Mỹ Thanh, phản ánh nếp sống của con người 20 21 trong mỗi cộng đồng dân tộc. Đặc biệt, trang phục của người phụ nữ được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt, thể hiện tính thẩm mỹ cao, sự khéo léo, tài hoa và mang trong đó bản sắc của từng tộc người.
Văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc Mỹ Thanh mang đậm đặc trưng văn hóa miền núi rừng với những món ăn đặc sản như: Thịt lạp, thịt thính, hém thịt… Bên cạnh đồ ăn, các thức uống phổ biến là rượu, trà, lá vối…
Trong sinh hoạt văn hóa, cộng đồng các dân tộc xã Mỹ Thanh, trong đó, đồng bào người Tày thôn Duộc xã Mỹ Thanh vẫn lưu giữ những câu ca đối đáp với người Tày xã Lục Bình như sau: Thíp ám nựa cáy ton/Bấu táy ám Mon1 Tày Duộc (Mười miếng thịt gà thiến/Không bằng miếng Mon người Tày Duộc), Người Lục Bình đối lại: “Nhẳn kin khấu chắm của bấu, nhẳn keng pja bủa chắm bắp” (Chịu ăn cơm chấm muối, không thèm ăn ngô chấm cá, và “Nhẳn pền slip bát tềnh hua/Bấu nhẳn lùa Tày Duộc” (Mười cái nhọt trên đầu/Không chịu là dâu Tày Duộc). T
rong tôn giáo, tín ngưỡng, trước đây xã Mỹ Thanh có nhiều công trình văn hóa tâm linh phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc. Trong đó có đình Bản Châng và đình Bản Luông gắn với 2 sự tích khác nhau.
Sự tích thứ nhất, đình Bản Châng thờ ông Nông Đức Vận quê ở Mòn (xã Vũ Muộn) và đình Bản Luông thờ công chúa Lê Thị Ngân. Ông Nông Đức Vận là người học rộng, tài cao, đỗ quan dưới thời nhà Hậu Lê, được vua Lê gả cho con gái là công chúa Lê Thị Ngân. Trong thời gian làm quan, ông có nhiều công lao giúp nhân dân các vùng núi phía Bắc, sau này, do phạm phải lỗi nên bị nhà vua ra lệnh bắt giam. Biết tin, ông đưa công chúa Lê Thị Ngân trốn về ẩn ở núi Phja Khao (xã Cao Sơn), quan quân triều đình truy đuổi ráo riết, bao vây ngặt nghèo, biết không còn đường thoát, ông lấy vải hồng bịt mắt con ngựa bạch, sau đó phi xuống vực núi đá tự vẫn. Sau khi chồng chết, công chúa Lê Thị Ngân trốn về núi Khau Khuốt để tang thờ chồng và mất ở đó. Cảm kích trước công lao của ông Nông Đức Vận với nhân dân cũng như tiết hạnh của công chúa, nhân dân Bản Châng lập đình thờ ông Nông Đức Vận, nhân dân ở Duộc lập đình thờ bà Lê Thị Ngân ở cánh đồng Pjai Lùng. Trước đây, các cụ già trong thôn Phja Khao (xã Cao Sơn) nói còn thấy cây kiếm dài 6 gang đặt trong hang đá Phja Khao, vì sợ là kiếm thần nên không ai dám lấy.
Sự tích thứ hai gắn với câu chuyện hai vợ chồng người Tày giúp dân chống giặc. Giặc “Cờ đen” từ phương bắc tràn xuống quấy nhiễu nhân dân, hai vợ chồng hiệu triệu nhân dân lập căn cứ tại Xuất Hóa để chống lại quân giặc. Tuy nhiên, do thế giặc mạnh, cuộc chiến đấu bị thất bại, hai vợ chồng cưỡi ngựa rút lui. Người vợ chạy đến núi Mẻ Nàng thì cùng đường, bà bịt mắt ngựa lại rồi phi xuống núi tự vẫn. Người chồng chạy đến núi Phja Khao thì kiệt sức, không muốn để rơi vào tay giặc, người chồng tự vẫn ngay tại núi đá. Ngày nay, trên đỉnh núi có tảng 22 23 đá rộng 2m, dài 3m, bằng phẳng ở giữa có vết hình chân ngựa, tương truyền là nơi người vợ bịt mắt ngựa nhảy xuống núi tự vẫn. Để tưởng nhớ công lao của hai vợ chồng người Tày, người Bản Châng thờ người chồng ở đình Bản Châng. Người dân Bản Luông thờ người vợ ở đền Nà Đinh. Tương truyền, khi đi qua đây vào ban đêm, nữ thì phải bỏ nón, nam thì phải bỏ mũ, nếu không thì không đi qua đây được. Cả hai sự tích trên đều mang yếu tố truyền miệng, chưa khảo sát được tính chân thực, song điều quan trọng nhất là hai sự tích đều đề cao tình cảm, sự thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng thời kỳ phong kiến.
Đình Bản Châng là nơi nhân dân hàng năm tổ chức lễ hội Lồng Tồng vào ngày 6/1 trên đám ruộng Nà Đính. Ngoài lễ hội Lồng Tồng tại Bản Châng, xã Mỹ Thanh trước đây còn có lễ hội Lồng Tồng ở thôn Khau Ca tổ chức vào ngày 7/1 âm lịch trên cánh đồng Đon Tướng. Buổi sáng diễn ra phần lễ, trong đó mỗi hộ sắm sửa một mâm cỗ gồm: thịt lợn, thịt gà, các loại bánh, chè lam, khẩu thuy, bánh chưng, bánh dày và xôi ngũ sắc. Đặc biệt, trong đồ lễ phải có một mâm quả đu đủ chín được đặt 1 con dao phía trên gọi là “pjạ đắm híc”. Buổi chiều diễn ra phần hội, nổi bật với trò chơi tung còn, được thể hiện qua câu thơ: Còn bên prây bên mà rì rạy/Vui tẩư bặng xuân nấy chập căn (Còn bay đi bay lại rầm rập/Vui nào bằng xuân này gặp nhau).
Buổi tối diễn ra lễ hội lượn tính do một thầy pụt và một người đệm đàn tính ca hát suốt đêm, có những năm hội lượn tính diễn ra trong 3 đêm mới kết thúc, thu hút đông đảo nhân dân mọi lứa tuổi và khách thập phương đến nghe. Tuy nhiên trong cuộc tiến công Đông – Xuân 1947, toàn bộ cơ sở tâm linh bị thực dân Pháp phá hủy, kể từ đó, nhân dân cũng thôi không tổ chức lễ hội Lồng Tồng. Văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Mỹ Thanh còn giữ được nhiều giá trị cổ truyền, những phong tục tập quá cổ hủ đã dần bị loại bỏ, cuộc sống ngày càng nâng cao và những tiến bộ văn minh đang dần được nhân dân tiếp cận.