Văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

0

Mỹ Thanh là xã miền núi thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn với tổng diện tích tự nhiên là 3.324,02 ha, nằm cách thị trấn Phủ Thông 30km về phía bắc, cách thành phố Bắc Kạn 12km về phía tây.

Mỹ Thanh có 5 dân tộc sinh sống vì vậy nền Văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc phong phú đa dạng mang đậm đặc trưng văn hóa miền núi với những món ăn đặc sản như: Thịt lạp, thịt thính, hém thịt… Bên cạnh đồ ăn, các thức uống phổ biến như là rượu, trà, lá vối,…

1. Thịt lạp

Thịt lạp (hay thịt hun khói) là món ăn truyền thống của người dân thực chất đây là nguồn thực phẩm dự trữ của người dân dùng cho bữa ăn hàng ngày, hoặc khi có khách đến nhà, người ta lại bỏ ra xào nấu để đãi khách. Thịt lạp được treo trên bếp lửa hồng để cho khô quánh lại, không bị ôi, thiu. Khi cắt miếng thịt ra để xào nấu vẫn còn màu hồng tươi của thịt nạc, phần thịt mỡ thì quánh lại khô giòn, ăn có vị thơm ngậy mà lại không béo, ngấy.Thịt lạp để càng lâu càng ngon, dễ chế biến, hợp khẩu vị với tất cả mọi người. Cách làm thịt lạp đơn giản, nhưng đòi hỏi phải kỹ lưỡng. Khi con lợn được phanh ra, người ta xả khổ thịt theo dọc xương sườn, mỗi giẻ xương sườn một khổ. Lợn nhỏ thì mỗi khổ chừng 0,7 – 0,9 kg, lợn to mỗi khổ chừng 1 – 1,5 kg, chân giò thì khoanh cả khoanh. Tất cả số thịt trên được bỏ lên nia xát muối, bóp rượu, rồi cho vào chậu ủ ba đến bốn ngày, sau đó đem treo trên gác bếp.

Khi những khổ thịt treo trên gác bếp được ướp rượu, gia vị, thịt “ăn khói” cứ khô dần. Khi lớp da, thịt nạc chuyển sang màu bồ hóng, lớp mỡ chuyển sang màu trong là có thể yên tâm để ăn dần trong cả năm mà vẫn không lo thịt bị mất chất.
Khi ăn, cắt thịt trên gác bếp xuống, cho vào chảo nước, bỏ một nhúm gạo vào đun sôi một lúc rồi mang ra rửa sạch. Sau đó thái thịt thành miếng mỏng, đủ cả bì, mỡ, thịt nạc. Thịt lạp có thể chế biến theo nhiều cách: xào gừng, xào rau cải, xào giá đậu tương, nhưng ngon nhất vẫn là xào thịt lạp cùng với loại rau cải của cải địa phương.

Hình ảnh món thịt lạp treo gác bếp
                                                               Hình ảnh món thịt lạp treo gác bếp

2. Món hém thịt

Hém thịt là món ăn thơm ngon ưa thích của người Tày. Nguyên liệu làm hém thịt là thịt lợn (thịt mông, thịt thăn, thịt ba chỉ, thịt thủ)… đều được dùng làm thịt hém. Lượng thịt nhiều ít tùy theo yêu cầu ăn lâu ngày hay ít ngày của mỗi gia đình.

Hình ảnh món hém thịt
                                                                         Hình ảnh món hém thịt

Đem thịt rửa sạch để ráo nước, thái miếng vừa, đem ướp muối thật đậm và thêm ít nước mắm, hạt tiêu, húng lìu, trộn đều trong 2 – 3 giờ rồi xào chín, vớt ra để nguội bỏ vào chum rượu nếp đã làm sẵn, đảo đều, đậy thật kín miệng chum để giữ mùi thơm. Ủ từ 7 – 10 ngày trở lên là thành hém có thể ăn được. Hém có thể ăn trực tiếp ngay hoặc đem chưng sôi mới ăn.

Thịt hém được ủ trong vại xứ
                                                                Thịt hém được ủ trong vại xứ

3. Món thịt thính

Món thịt thính khá đơn giản, trước ngày mổ lợn, người ta rang gạo nếp hay đỗ tương rồi xay thành bột mịn để trộn với thịt lợn làm món thịt thính. Để làm thịt thính cần xào thịt thái mỏng cho chín, nêm gia vị vừa miệng rồi đem trộn với bột gạo hay đỗ tương đảo đều cho bột bao kín thịt rồi để vào chum ăn dần. Thịt thính không để được lâu như thịt lạp hay hém thịt, nên để dành khoảng 15 – 20 ngày. Khi ăn đem thịt thính hấp trên miệng nồi cơm cho nóng lên.
Ngoài những món ăn dự trữ truyền thống nêu trên, còn có món phúng xoòng (thường gọi lạp sườn); thịt trâu, bò sấy khô… rất phổ biến được chế biến quanh năm.

Hình ảnh món thịt thính
                                           Hình ảnh món thịt thính

4. Nước vối 

Nước vối hay trà vối là một loại đồ uống giải khát được nấu bằng nụ, hoặc lá vối đã ủ chín rồi phơi khô, cũng có thể dùng ngay khi lá còn tươi. Đây là loại đồ uống rất thông dụng. Nước vối được pha nhiều dùng để uống cả ngày giống như nước chè xanh. Tuy nhiên cách pha nước vối không giống như pha trà xanh cần hãm trực tiếp khi trà còn tươi, ngon. Để có được một bát nước trà lá vối ngon phải trải qua các công đoạn chế biến hơi cầu kỳ một chút. Lá vối tươi hay nụ tươi có thể sử dụng được ngay, hoặc lá vối tươi phơi nắng thật kỹ, thật khô giòn rồi dùng.

Hình ảnh trà vối
                                                                   Hình ảnh trà vối

Để có một ấm nước vối ngon người ta thường thực hiện qua giai đoạn gọi là ủ lá. Lá vối tươi sau khi được hái ở cây về rửa sạch, cắt lá ra làm ba rồi sau đó ngâm vào nước sạch ba ngày liên tiếp. Trong ba ngày đó mỗi ngày thay nước một lần. Tiếp đến vớt lá ra rửa sạch rồi phơi khô. Lá vối phơi khô xong, cất vào túi nilong buộc kín để dành uống quanh năm.

5. Rượu

Rượu là một phần không thể thiếu Trong đời sống của bà con nơi đây, là một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc và gắn bó với cuộc sống của đồng bào từ lâu đời. Rượu được làm bằng nguyên liệu là gạo, ngô, khoai, sắn, có khi bằng cả mật mía, chuối quả…Men dùng để ủ rượu thường làm từ các loại lá rừng nên uống rất êm. Với họ, rượu là cách để chủ nhà thể hiện lòng hiếu khách của mình. Dù quen hay lạ, trước khi bắt đầu một câu chuyện bao giờ chủ nhà cũng mời rượu.

Hình ảnh nấu rượu truyền thống
                                                  Hình ảnh nấu rượu truyền thống

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về hay có một lễ hội, chuyện vui nào đó người dân ở đây quây quần bên nhau cùng uống những ly rượu đặc biệt để chia sẻ niềm vui.

Tác giả: Nguyễn Thương